Diễn đàn hợp tác hạ nguồn sông Mekong

 

VOV - Mỹ và 5 nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đã cam kết thúc đẩy Sáng kiến hạ nguồn Mekong nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của khu vực. Cam kết trên được đưa ra tại Diễn đàn hợp tác hạ nguồn Mekong do Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ tổ chức ngày 2/5 (giờ Việt Nam).
Sáng kiến hạ nguồn Mekong do Mỹ khởi xướng năm 2009 nhằm tăng cường  hợp tác và giúp các nước trong khu vực bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan thích nghi và tìm giải pháp cho những vấn đề chung trong các lĩnh vực quản lý nguồn nước, y tế, giáo dục và kết nối.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh ghi nhận Sáng kiến hạ nguồn Mekong là một nỗ lực quan trọng trong quan hệ Mỹ - ASEAN, đóng góp tích cực cho mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển trong khu vực.
 "Sáng kiến hạ nguồn Mekong đã đáp ứng được những nhu cầu, lĩnh vực cần ưu tiên của các nước trong khu vực như nâng cao năng lực về giáo dục, ứng phó với môi trường, kết nối nội khối cũng như toàn khu vực Đông Nam Á. Nếu nhìn lại lịch sử của sáng kiến này từ năm 2009 thì quá trình này đã tạo ra khuôn khổ hợp tác, gắn kết với các chương trình đang có, với mục đích chung là phát triển và ổn định trong khu vực. Mỹ và các nước tiểu vùng Mekong đều đưa ra cam kết cao trong việc thực hiện các dự án và sáng kiến trong khuôn khổ này”.
Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, Joe Yun cho biết, chính quyền Tổng thống Obama coi Sáng kiến hạ nguồn Mekong là một trụ cột chính trong chiến lược tăng cường quan hệ với châu Á. Sáng kiến này đã được đẩy mạnh và bổ sung thêm 2 lĩnh vực là an ninh lương thực và năng lượng, bên cạnh 4 trụ cột trước đây.
Theo ông Joe Yun, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ tiếp tục củng cố cơ sở vật chất và nhân lực cho dự án và ưu tiên cho những vấn đề có thể triển khai sớm. Đánh giá về sự phối hợp giữa các nước, Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Joe Yun nói: "Cho đến nay thì các nước đã hợp tác rất tốt với nhau trong Sáng kiến hạ nguồn Mekong. Chúng tôi đã tổ chức cuộc họp của các nhóm công tác tại nhiều nước, năm ngoái họp ở Lào và năm nay họp tại Việt Nam. Tôi nghĩ rằng các nước liên quan đều rất nhiệt tình với dự án này".
Đại diện Đại sứ quán Myanmar và Thái Lan tại Mỹ cũng tái khẳng định sự cần thiết phải thúc đẩy các nguyên tắc và trụ cột trong Sáng kiến hạ nguồn Mekong để thu hẹp khoảng cách phát triển, hướng tới một cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Các nhà nghiên cứu tham dự diễn đàn đã chia sẻ kinh nghiệp hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, quản lý nguồn nước, phát triển nông nghiệp cân bằng, và sự tham gia của các doanh nghiệp theo mô hình hợp tác công-tư.
Theo các diễn giả, sông Mekong là nguồn năng lượng, hệ thống cung cấp nước tưới và nguồn cung cấp thủy sản quan trọng. Tuy nhiên, khu vực hạ nguồn Mekong  đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đặc biệt là mối đe doạ từ các công trình thủy điện do cơn khát năng lượng gây ra.
Ông Richard Cronin, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm Stimson (Mỹ) cho biết: "Thách thức lớn của khu vực hạ nguồn Mekong là phát triển thiếu điều phối. Các nước xây dựng đập thuỷ điện mà không xem xét đầy đủ yếu tố chi phí và lợi ích cũng như thiếu sự điều phối giữa các dự án để tối đa hoá lợi ích và giảm thiểu tác động. Các đập thủy điện ngăn cản các loài cá di cư, gây ảnh hưởng tới an ninh lương thực, đồng thời chặn phù sa, khiến con sông không còn khả năng tự bồi đắp, chống lại sự xâm thực của nước biển".
Theo các nhà nghiên cứu, mỗi quốc gia trong khu vực đều có những lĩnh vực ưu tiên riêng nhưng chủ yếu vẫn là phát triển năng lượng bất chấp tác động môi trường. Lời giải cho bài toán này không nằm ở vấn đề nguồn lực mà ở ý chí chính trị cũng như sự hợp tác trong điều phối phát triển giữa các nước liên quan./.