ĐẠI SỨ NGUYỄN QUỐC CƯỜNG TRẢ LỜI PHỎNG VẤN VIỆT WEEKLY

Đại sứ: Thứ nhất là tôi rất hoan nghênh, chào đón anh Trường, anh Phong, anh Quân lần đầu tiên đến Sứ quán, lần đầu tiên nhưng mà chắc còn nhiều lần nữa. Thứ 2 là tôi cũng rất ủng hộ chủ trương của báo là đem lại sự thật.
PV: Câu hỏi đầu tiên, xin ông cho biết mục tiêu, sứ mệnh chính trong nhiệm kỳ lần này của ông tại Hoa Kỳ?

Đại sứ: Mục tiêu, nhiệm vụ chính của tôi trong nhiệm kỳ công tác lần này là tăng cường và phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa Việt nam với Hoa Kỳ. Như các bạn biết là trong 16 năm qua kể từ khi bình thường hóa quan hệ, quan hệ giữa hai nước đã có những bước phát triển vượt bậc. Tổng thống Obama khi tiếp tôi trong buổi trình thư ủy nhiệm cũng đánh giá quan hệ 2 nước có những bước phát triển rất đáng kể trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, lãnh đạo hai nước đều thấy rằng cần đưa quan hệ lên tầm cao mới vì lợi ích chung của hai nước. Trước khi lên đường nhận nhiệm vụ tôi cũng được lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam gặp và giao nhiệm vụ cho tôi là làm sao phải góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ lên mức độ phát triển cao hơn nữa. Và cách đây 2 tuần, tôi có tiếp ông Đại sứ mới của Mỹ David Shear, ông ấy cũng nói với tôi rằng ông đã được lãnh đạo Hoa Kỳ giao nhiệm vụ để thúc đẩy, đưa quan hệ giữa Mỹ với Việt nam lên một tầm cao hơn nữa. Tôi có nói với ông ta rằng "thế thì tôi với ông có cùng nhiệm vụ, chúng ta cần phối hợp, hợp tác chặt chẽ với nhau để cùng thực hiện nhiệm vụ đó".

PV: Ông có thể cụ thể hóa chút xíu về việc thúc đẩy quan hệ lên tầm cao hơn là thế nào không?

Đại sứ: Hai nước hiện nay đang bàn thảo về việc thiết lập mối quan hệ hướng tới đối tác chiến lược. Nếu các bạn theo dõi thì thấy là Việt Nam cũng có quan hệ đối tác chiến lược với một số nước, không nhiều, đó là những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Chính phía Mỹ đưa ra đề nghị này đầu tiên khi bà Hillary Clinton sang thăm Việt Nam năm ngoái, phía Việt Nam cũng đã xem xét một cách tích cực và hai bên đang bàn thảo theo hướng đó. Về phía nội hàm thì có thể bao gồm quan hệ chính trị, an ninh, quốc phòng; quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư; giáo dục; khoa học kỹ thuật; môi trường biến đổi khí hậu; cả những vấn đề song phương, và hợp tác trên lĩnh vực khu vực và quốc tế.

PV: Thưa ông Đại sứ, khi mà mối quan hệ giữa Việt nam và Hoa Kỳ càng tiến gần với nhau với mức chiến lược thì chúng ta cũng không thể không nhắc tới mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc. Mối quan hệ ba chiều như vậy nó đang xảy ra có vấn đề Biển Đông. Xin ông cho biết đối sách của Việt Nam đối với quan hệ 3 chiều này như thế nào?

Đại sứ: Việt Nam chủ trương thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ. Chúng ta muốn có quan hệ tốt với tất cả các nước trên thế giới. Quan hệ với Trung Quốc cũng là mối quan hệ rất quan trọng đối với Việt Nam. Trung Quốc là một láng giềng lớn, và chúng ta cũng có mối quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc. Quan hệ với Mỹ cũng vậy. Và trong tất cả những quan hệ đó, không chỉ riêng với Mỹ hoặc là với Trung Quốc đâu, chúng ta đều nói rõ là chúng ta không phát triển quan hệ, không đi với nước này để chống nước kia. Đó là chủ trương nhất quán của chúng ta. Và với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, không đi với nước này để chống nước kia, chúng ta cũng muốn quan hệ phát triển tốt với cả Mỹ cũng như với Trung Quốc.

PV: Nhưng mà trên cái sự tranh giành ảnh hưởng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á, nếu mà Việt nam nhích thêm một bước nữa, nâng thêm một tầm nữa với phía Hoa Kỳ, thì ông đánh giá phía Trung Quốc sẽ có phản ứng như thế nào? Đó là thứ nhất. Thứ 2 là năm 2012 là mùa bầu cử của Hoa Kỳ, có khả năng là trước thời điểm đó thì Tổng thống Obama có tới Việt Nam hay không?

Đại sứ: Về phản ứng của TQ, trong tất cả tiếp xúc với Việt Nam, từ cấp cao nhất đến cấp làm việc, Trung Quốc đều nói rõ là Trung Quốc không phản đối việc Việt Nam phát triển quan hệ với Hoa Kỳ, và cũng không thể phản đối được, đấy là chính sách độc lập, tự chủ của Việt Nam.

PV: Về khả năng Tổng thống Obama thăm Việt Nam trước mùa bầu cử 2012?

Hiện nay hai nước vẫn đang trao đổi về khả năng Tổng thống Obama thăm Việt Nam. Tôi cũng đã gặp cả cố vấn đối ngoại của Tổng thống Obama, cũng như gặp Lãnh đạo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để trao đổi về vấn đề này. Hiện nay thì chưa thể nói được thời điểm nào sẽ diễn ra chuyến thăm. Khi mà ông Obama tiếp tôi trình thư ủy nhiệm thì ông cũng nói rằng ông rất mong muốn được thăm Việt Nam.

PV: Nhưng mà ngược lại thì cách đây khoảng 1 năm ông Obama có 1 chuyến đến Á Châu thì lại không ghé qua Việt Nam. Ông có thể cho biết lúc đó tình hình diễn ra thế nào mà trong lịch của ông Obama không ghé Việt Nam?

Đại sứ: Các bạn biết rồi, Tổng thống Mỹ chương trình luôn luôn bận rộn. Mỹ là một quốc gia có tầm vị thế toàn cầu nên chương trình của Tổng thống luôn rất bận rộn. Có thể đi nước này, có thể đi nước kia, tùy theo cân nhắc của họ. Khi tôi sang Thụy Điển, tôi gặp ông Thứ trưởng Ngoại giao Thụy Điển, khi nói chuyện về quan hệ với Mỹ, tôi có nói là Tổng thống Bush, Tổng thống Clinton đều đã thăm Việt Nam thì ông ấy rất ngạc nhiên bởi vì Thụy Điển là một nước có mối quan hệ rất gần gũi với Mỹ nhưng 10 năm nay chưa có 1 tổng thống Mỹ nào tới thăm Thụy Điển cả. Điều đó chứng tỏ quan hệ Việt Nam với Mỹ phát triển rất nhanh.

PV: Chúng tôi muốn ông có thể cho biết đối sách của Việt Nam đối với Cộng đồng người Việt hải ngoại hiện tại như thế nào?

Đại sứ: Thứ nhất về chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài, thì Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đã khẳng định, người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của Việt Nam. Từ Nghị quyết, từ Chủ trương đó đã được thể hiện trong các chính sách cụ thể:năm 2007, chúng ta có Qui chế miễn thị thực để bà con về nước tự do hơn; năm 2008, Luật Quốc tịch của chúng ta đã sửa đổi để tạo điều kiện cho bà con, có thể là đã có quốc tịch khác vẫn được giữ quốc tịch Việt Nam. Thế mới thực sự coi bà con ta là một bộ phận của dân tộc Việt. Tiếp đó, Luật sửa đổi bổ sung luật về đất đai, về nhà ở cho phép mở rộng đối tượng bà con mua và sở hữu nhà ở Việt Nam. Đấy là nguyện vọng hết sức chính đáng của rất nhiều bà con. Trước đây chúng ta chưa có chính sách đó thì rất nhiều người phải mua qua họ hàng, qua hàng xóm mua giúp, đứng tên dùm. Và kèm theo đó là bao nhiêu rắc rối về pháp lý và giờ chúng ta tháo gỡ được. Rồi vấn đề cư trú, hồi hương, về đầu tư , kinh doanh, hợp tác với trong nước... tất cả những cái đó thì chính sách càng ngày càng cởi mở hơn. Vấn đề quan trọng nữa là thực hiện chủ trương chính sách thực tế hơn. Phải quán triệt từ cấp Trung ương đến các địa phương để làm sao đó thực hiện thống nhất chủ trương đó. Tôi nghĩ chủ trương ngày càng mở ra, và nếu các bạn thấy rằng Nhà nước có thể tạo điều kiện hơn nữa cho bà con gắn bó với đất nước thì các bạn có thể đề đạt tiếp.

PV: Ông đánh giá như thế nào về phản ứng của cộng đồng người Việt Nam đối với những sự kiện vừa xảy ra trên Biển Đông, tức là họ phản đối cái sự lấn át của phía Trung Quốc đối với vấn đề chủ quyền của Việt Nam?

Đại sứ: Về phản ứng của bà con, đối với các cuộc biểu tình trong nước và ngoài nước, thì tôi cho rằng đa số bà con muốn thể hiện lòng yêu nước của mình. Vấn đề chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ luôn là vấn đề thiêng liêng đối với cả người dân trong nước cũng như đối với những người Việt Nam ở nước ngoài. Cái đó tôi đánh giá đa phần là thể hiện lòng yêu nước, thể hiện  tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận vấn đề thế này. Cũng có một bộ phận lợi dụng chuyện đó vì những mục đích khác. Tôi nói ví dụ như ở bên ngoài này, biểu tình để nói rằng là Chính phủ Việt Nam bán đất, dâng biển cho Trung Quốc là có người lợi dụng. Chẳng có lý do gì cả, chẳng có chứng cớ gì cả. Nếu chúng ta dâng biển cho Trung Quốc thì việc gì chúng ta phải đấu tranh, phản đối công khai như thế để làm gì? Chúng ta lên tiếng công khai phản đối, và chúng ta cũng yêu cầu các nước khác cùng lên tiếng với chúng ta để phản đối những hành động xâm phạm chủ quuyền Việt Nam, gây căng thẳng trong khu vực. Thế rồi ngay cả việc đất đai, biên giới trên đất liền cũng vậy, chúng ta đàm phán hơn 3 chục năm với Trung Quốc để lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta có 1 đường biên giới hòa bình, ổn định với Trung Quốc. Chúng ta có 1.400 km đường biên giới với Trung Quốc thì chúng ta cắm được cột mốc, và theo kỹ thuật hiện đại hiện nay thì chính xác đến từng milimét, 1.700 cột mốc. Tôi lấy số tròn, thì cứ trung bình 700 mét là có 1 cột mốc, có lẽ đó là một đường biên giới mà có số cột mốc dày đặc vào loại hàng đầu trên thế giới, để chúng ta bảo đảm được chủ quyền lãnh thổ của chúng ta bằng một đường biên giới hòa bình, ổn định để chúng ta phát triển. Và trong quá trình đàm phán đó hai bên phải căn cứ vào Luật pháp Quốc tế, đó là Hiệp ước Pháp - Thanh năm 1887. Nếu mà các bạn nhìn lại, các bạn có thể thấy là vào thời điểm đó, khi đó Pháp đang mạnh, Nhà Thanh đang yếu. Trong đàm phán, 2 bên trao đổi bản đồ với nhau thì về cơ bản là trùng nhau, theo đúng Hiệp ước thì không thể vẽ khác đi được, khi vẽ sai cách nhau khoảng hơn 200 km  thì về đại thể, sau đó chia đôi. Tôi cũng đã đến từng cột mốc rồi. Có những cột mốc để bảo vệ không bị di chuyển anh em biên phòng phải dựng tạm mấy cái lều để bám trụ trong nhiều năm liền.

PV: Nhưng mà ở bên ngoài đánh giá rằng, tuy rằng ông nói rằng là Nhà nước Việt Nam rất thông cảm và thông hiểu những cái lòng yêu nước cảu người trong và ngoài nước, nhưng mà cộng đồng bên ngoài lại rất bức xúc, có nhìn thấy được những hình ảnh mà phía Nhà nước Việt nam đối xử với một số người tham gia biểu tình chống Trung Quốc. Ông có những đánh giá như thế nào về những sự việc này?

Đại sứ: Ở trong nước, theo thông tin tối được biết, có những người lợi dụng lòng yêu nước của bà con lợi dụng biểu tình để gây mất  trật tự, an ninh, vi phạm pháp luật.  Tôi xin nói thêm như chuyện gia đình đã,  nhà anh ở ngay bên cạnh nhà anh hàng xóm, có tranh chấp đất đai, anh thì kêu cả con cái, kêu gọi cả nhà, cả họ hàng đến suốt ngày kêu gọi, lên tiếng chửi bới gia đình bên kia, gia đình bên kia cũng làm lại như vậy thì có giải quyết vấn đề được không? Tôi nghĩ đấy không phải là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề. Kiểu gì hai bên cũng phải ngồi lại với nhau. Trong quan hệ giữa quốc gia với quốc gia cũng vậy thôi. Muốn giải quyết vấn đề phải ngồi lại với nhau. Chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng, chúng ta phải luôn giữ trái tim của chúng ta là trái tim nóng đối với chủ quyền lãnh thổ, đối với sự toàn vẹn lãnh thổ, nhưng chúng ta cũng cần có cái đầu lạnh, tỉnh táo để xử lý vấn đề. Nếu biểu tình mà giải quyết được tất cả vấn đề đối với Trung Quốc thì tôi cũng tham gia biểu tình.

PV: Thưa ông Đại sứ, đối với cộng đồng hải ngoại thì họ dựa vào những tổ chức nhân quyền quốc tế để nêu về vấn đề nhân quyền Việt Nam, đặc biệt là đối với những nhà đối lập trong nước để họ đặt vấn đề nhân  quyền Việt Nam thế này thế kia. Ở đây với cương vị là người Đại sứ thì ông có thể cho biết tình hình đó như thế nào và những đánh giá cảu các tổ chức quốc tế đó ra sao?

Đại sứ: Chúng ta là một quốc gia, quan hệ quốc gia với quốc gia, ví dụ quan hệ với Mỹ, thì vấn đề dân chủ, nhân quyền vẫn luôn là một vấn đề. Tôi cho rằng có sự khác nhau, khác biệt trong quan niệm về dân chủ, nhân quyền là chuyện bình thường. Vả lại tôi có thể nói rằng chẳng có quốc gia nào có thể tự vỗ ngực để có thể nói rằng mình hoàn thiện, hoàn hảo về dân chủ, nhân quyền. Quốc gia nào cũng có vấn đề của mình. Quan trọng là chúng ta có một cơ chế đối thoại để hiểu biết nhau hơn và đối với  những đóng góp, xây dựn,  chúng ta sẵn sàng lắng nghe. Không phải là chúng ta không biết lắng nghe.

PV: Một trong cái trường hợp mà ở ngoài đây người ta rất là nêu lên thành cái biểu tượng như trường hợp của ông Nguyễn Văn Lý, linh mục Nguyễn Văn Lý, gần đây là ông Cù Huy Hà Vũ, là hai nhân vật đối lập. Xin ông cho biết chính sách tôn giáo cũng như là mở rộng diễn đàn như thế nào để người dân có được ý kiến, hay là có một hệ thống pháp luật như thế nào để cho cảm thấy họ được cư xử công bằng?

Đại sứ: Ông Nguyễn Văn Lý hay là Cù Huy Hà Vũ bị xét xử vì những người này vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam, ở đây chẳng liên quan gì đến vấn đề tự do tôn giáo cả. Nước nào cũng có những quy định pháp luật của mình. Như ở Anh các bạn vừa nhìn thấy, biểu tình, gây rối, bạo loạn cũng bị bắt, đến hàng mấy nghìn người bị bắt, vi phạm pháp luật thì bị bắt thôi. Nói về tự do tôn giáo, tôi cũng đã từng là Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam về vấn đề bình thường hóa quan hệ với Vatican. Trong đàm phán với Vatican, phía Vatican cũng thừa nhận những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, những thành tựu của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo đảm cho bà con công giáo ngày càng có điều kiện thực hiện, thể hiện cái lòng tin của mình. Vấn đề đất đai cũng vậy. Ví dụ như La Vang trước đây có 5 ha, nhưng thấy rất rõ nhu cầu chính đáng của bà con công giáo, chính phủ Việt Nam cấp thêm 15 ha để bà con hành đạo. Tôi nhớ rằng khi Tổng thống Bush thăm Việt Nam, ông có đến một nhà thờ ở Việt Nam, ông cũng rất ngạc nhiên là thấy người Việt Nam đi nhà thờ dự lễ đông như vậy. Chắc là ông có cái nhìn khác theo những thông tin ông ấy được cung cấp trước khi sang Việt Nam. Khi đến nơi thì ông ấy thực sự là ngạc nhiên.

PV: Nhưng mà cho tới giờ phút này thì phía Nhà nước Việt nam và phía tòa thành Vatican vẫn chua có sự bang giao chính thức. Ông có thể lý giải cái sự bế tắc đó như thế nào? Đó là thứ nhất, và thứ hai qua đó cũng là một trong những lý do mà người ta cho rằng là phía Việt Nam chưa có tự do tôn giáo?

Đại sứ: Tự do tôn giáo là đối với công dân Việt Nam. Còn quan hệ giữa Vatican với Việt Nam là quan hệ giữa  hai quốc gia với nhau. Hiện nay chúng ta đã có một bước tiến lớn là chúng ta đã đồng ý chấp nhận có đặc phái viên không thường trú của Vatican thường xuyên được ra vào Việt nam để trao đổi về vấn đề mục vụ cũng như những vấn đề liên quan đến quan hệ giữa Việt Nam và Vatican. Khi tiếp tôi tại Tòa Thánh, ông Bộ trưởng Ngoại giao Vatican cũng đánh giá đây là bước tiến rất lớn trong quan hệ giữa Việt nam và Vatican.

PV: Vâng, thưa ông, đến thông tin mà ông vừa trình bày với báo chí chúng tôi có cơ hội tới gần cộng đồng hơn, ông có nghĩ rằng trong những ngày sắp tới có thể tổ chức những cuộ họp báo mở rộng để báo chí ở hải ngoại có thể tiếp cận với những thông tin này được không ạ?

Đại sứ: Nếu chúng ta làm một cách đàng hoàng thì tổ chức được cũng tốt. Tôi cũng rất sẵn sàng thôi. Việt Weekly có thể đứng ra làm tổ chức như vậy thì tôi cũng ủng hộ Việt Weekly. Nhưng tôi nói lại là phải làm một cách đàng hoàng, tổ chức thật đàng hoàng, thật tốt.

PV: Nhưng mà nếu như mà tổ chức như vậy thì một số người trong cộng đồng Việt Nam vẫn chống đối vấn đề này. Nếu gặp những trường hợp như vậy xuất hiện trong phòng họp một cách công khai thì theo ông có cái phương án nào để mà ứng xử đối với những trường hợp như thế này?

Đại sứ: Muốn nói chuyện với nhau thì phải nên nói chuyện đàng hoàng. Tại sao tôi sẵn sàng nói chuyện đàng hoàng mà những người muốn phỏng vấn tôi lại không đàng hoàng, cái đó cần phải xem lại bản thân mình.

PV: Trở lại câu hỏi lúc nãy chúng tôi đang hỏi về vấn đề của Vatican, theo ông thì tới khi nào mới có sự bang giao chính thức giữa Việt Nam và Vatican?

Đại sứ: Bây giờ tôi không còn phụ trách công việc đó nữa nên tôi không thể nói là khi nào được. Cần có thêm thời gian.

PV: Nhưng mà điểm bế tắc giữa hai phía là những điểm nào mà cho tới nay vẫn chưa có sự bang giao?

Đại sứ: Tôi nghĩ rằng đang trong đàm phán thì không thể nói công khai hết được ngay. Đàm phán là một quá trình. Nhưng tôi nghĩ rằng là với cái đà hiện nay, trong thời gian tới quan hệ hai nước sẽ có được những bước phát triển tiếp theo.

PV: Cám ơn ông Đại sứ, và để đúc kết lại câu chuyện của chúng ta ngày hôm nay, có thể là một cái mở đầu và sau đó chúng ta có thể tiếp diễn nhiều cái quan tâm khác. Hôm nay chúng tôi cũng cám ơn ông đã dành cho cuộc phỏng vấn này. Thời lượng còn lại xin ông có thể gởi một thông điệp cụ thể cho đồng hương ở đây để người ta thấy được cái sự hiện diện của ông như thế nào?

Đại sứ: Tôi không phải là một lãnh tụ, lãnh đạo quốc gia, nên là thông điệp nghe nó hơi "cao". Tôi chỉ có một số điều tâm sự: Điều mong muốn đầu tiên của tôi là mong muốn bà con chúng ta có sự hòa nhập với xã hội Mỹ này, có cuộc sống làm ăn ổn định, phát triển, tôn trọng pháp luật Mỹ. Con cái của bà con học hành đến nơi đến chốn. Tôi nhớ có lần được tháp tùng Chủ tịch nước dự cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc, ông Tổng thống Hàn Quốc có nói rằng trước đây khi sang Mỹ thì ông ta luôn luôn tự hào bởi vì đi đến đâu người ta cũng nói rằng là học sinh Hàn Quốc là #1 trong tất cả các trường học của Mỹ. Nhưng mà mấy năm gần đây ông sang Mỹ, ông ta lại nghe rằng là học sinh Việt Nam mới là #1 thay cho học sinh Hàn Quốc điều đó chúng ta đáng tự hào lắm chứ. Tôi rất mong muốn nhìn thấy nhiều bà con trưởng thành, tham gia mọi mặt vào đời sống chính trị của xá hội  Mỹ  và chính qua các bạn, qua những hình ảnh đó, người ta hiểu về dân tộc Việt Nam. Tôi cũng đi nhiều nước rồi, đến đâu cũng gặp bàn bè nước ngoài nói "à tôi có người hàng xóm Việt Nam". Cũng có gia đình đã đỡ đầu cho gia đình Việt Nam sang, người ta chẳng có biết tiếng gì cả, sang đây với hai bàn tay trắng, bây giờ làm ăn chăm chỉ, người ta lại giàu hơn cả những người đã đỡ đầu cho mình. Con cái người ta cũng học hành thành đạt hơn cả con cái những người đỡ đầu họ sang. Có người là bác sĩ, bây giờ lại có điều kiện giúp lại những người đã đỡ đầu mình sang. Đấy là những hình ảnh rất đẹp cho đất nước, con người Việt Nam. Người ta hiểu đất nước Việt Nam qua những con người cụ thể ấy. Tôi cũng  mong muốn bà con giáo dục cho con cháu của mình giữ được tiếng Việt và văn hóa Việt như tôn trọng người trên, tôn trọng cha mẹ... Điều thứ hai tôi cũng mong muốn bà con ta làm sao đoàn kết hỗ trợ nhau hơn. Những người có điều kiện giúp đỡ những người chưa có điều kiện, làm sao đó trong cộng đồng của ta thấy là một cộng đồng mạnh. Có đoàn kết thì chúng ta mới có một cộng đồng mạnh. Có mạnh như vậy chúng ta mới có tiếng nói, có vị thế, có tiếng nói đáng kể trong xã hội mà chúng ta đang sinh sống. Và điểm cuối cùng, tôi muốn bà con ngày càng gắn bó với quê hương, đất nước Việt Nam nhiều hơn. Tôi mới sang, nhưng tôi cũng đã tiếp xúc với rất nhiều bà con ở nhiều tầng lớp khác nhau, rất nhiều người đã về Việt Nam. Tôi không nắm được hiện nay là bao nhiêu người ở đây chưa về Việt Nam. Nhưng mà chắc là ai nếu chưa về cũng có nguyện vọng, mong muốn ít nhất có 1 lần trở về quê hương, đất nước mình, nơi "sinh rau, cắt rốn" của mình. Gắn bó với đất nước hơn thì có thể có nhiều cách khác nhau chứ không phải là cứ bỏ tiền ra mới là gắn bó với quê hương đất nước. Hãy làm sao có được một hình ảnh một cộng đồng người Mỹ gốc Việt mạnh, có tiếng nói, có vị thế đáng kể trong xã hội Mỹ này. Đấy là những mong muốn của tôi.

PV: Xin cảm ơn ông Đại sứ!