Vấn đề dân tộc có vị trí chiến lược lớn

Hà Nội (Ttxvn 23/04/2001)
Trích tham luận của ông Cưu ư Hòa Vần, đại biểu Đảng bộ khối 1 các cơ quan Trung ương, tại Đại hội đại biểu lần thứ 9 Đảng Cộng sản Việt Nam:

" Có thể khẳng định rằng chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới là người đem đến cho các dân tộc thiểu số ở Việt Nam quyền bình đẳng như ngày nay. Các dân tộc trong cộng đồng đại gia đình các dân tộc Việt Nam từ chỗ bị áp bức, bóc lột dưới sự đô hộ của thực dân đế quốc đã trở thành những thành viên làm chủ đất nước Việt Nam độc lập thống nhất. Khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố và tăng cường mạnh mẽ hơn bất cứ lúc nào. Đồng bào các dân tộc đời đời ghi nhớ công lao to lớn của Bác Hồ và Đảng Cộng sản Việt Nam, mãi mãi theo lời dạy của Bác Hồ là "dân tộc Việt Nam là một, đất nước Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi", " Đồng bào Kinh hay Tày, Mường hay Dao, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt, chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau", không kẻ thù nào có thể chia rẽ, phá vỡ khối đoàn kết mà Bác Hồ và Đảng ta đã xây dựng nên. Sự thất bại nhục nhã của bọn phản động gây rối ở Tây Nguyên tháng 2/2001 đã chứng minh điều đó. Đồng bào các dân tộc đều đã cực lực lên án và chống lại bọn phản động lợi dụng vấn đề dân tộc để hoạt động trái với Chính sách và Pháp luật của Đảng và Nhà nước ta, hòng kích động chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia.

Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ghi rõ "nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam". Các dân tộc thực hiện quyền làm chủ của mình bằng hai hình thức, trực tiếp và đại diện. Dân chủ đại diện qua hệ thống cơ quan dân cử cho thấy: Đại biểu Quốc hội khóa X là người dân tộc thiểu số chiếm 17,3%, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh chiếm 18,2%, huyện chiếm 18,7%, xã chiếm 22,7% so với tổng số đại biểu dân cử cấp đó. Điều đó đã thể hiện được sự bình đẳng giữa các dân tộc trong việc tham gia quản lý Nhà nước.

Những thành tựu về phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng trong nhiệm kỳ qua của Đảng đã đạt được ba mục tiêu chủ yếu là: Xóa được đói, giảm được nghèo xuống dưới mức 30% số hộ, ổn định và cải thiện đời sống một cách rõ rệt, nhiều dịch bệnh như sốt rét, bướu cổ đã giảm xuống mức đáng kể, sức khỏe được chăm sóc tốt hơn, phổ cập giáo dục tiểu học, xóa được mù chữ, nâng cao dân trí; bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được giữ gìn và phát huy tốt hơn; xây dựng được cơ sở chính trị, đội ngũ cán bộ và đảng viên của các dân tộc, ở các vùng, các cấp trong sạch và vững mạnh; quốc phòng và an ninh được đảm bảo về khoảng cách giữa các vùng và các dân tộc được thu hẹp.

Tuy nhiên, so với đồng bằng và vùng đã phát triển tương đối thì miền núi và vùng dân tộc thiểu số còn là vùng khó khăn nhất, hãy còn nhiều kẽ hở để bọn phản động dễ lợi dụng, khoảng cách còn khá xa, tỷ lệ đói nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao; đã xuất hiện những hiện tượng chệch hướng, nếu trong thời gian tới không có những giải pháp hữu hiệu có thể khoảng cách đó còn xa hơn nữa sẽ không có lợi cho sự ổn định phát triển bền vững của đất nước.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Ix ở vùng dân tộc thiểu số, chúng tôi hoàn toàn tán thành với những nội dụng đã
được trình bày trong bản báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương. Xin kiến nghị và nhấn mạnh một số vấn đề sau:

1- Phát triển kinh tế-xã hội ở vùng dân tộc thiểu số phải tăng
trưởng với tốc độ cao hơn mức bình quân chung của cả nước mới có thể từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các dân tộc và các vùng, quan tâm đến từng vùng và từng dân tộc, tiến tới sự bình đẳng thực sự trên bình diện kinh tế-chính trị, xã hội...

2- Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Văn hóa dân tộc có được bảo tồn và phát huy thì dân tộc mới phát triển. Giữ gìn và làm giầu tiếng nói của mỗi dân tộc là cốt lõi của văn hóa, phát triển văn học nghệ thuật của các dân tộc.. . đóng góp vào nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

3- Muốn thực hiện có hiệu quả hai điểm trên:

- Cần phải có quy hoạch bồi dưỡng, đào tạo, hình thành đội ngũ cán bộ ở vùng dân tộc thiểu số, sao cho đội ngũ này có phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, có số lượng tỷ lệ thuận với dân số của các dân tộc.

- Phải phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế-xã hội ở vùng dân tộc thiểu số để nhân dân biết, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chủ trương chính sách đó thì chắc chắn sẽ phát huy được hiệu quả đầu tư của các chương trình dự án.

- Phát huy tinh thần tự lực, tự cường của các dân tộc, củng cố tăng cường đoàn kết các dân tộc xung quanh Đảng Cộng sản Việt Nam, thi đua giúp đỡ nhau cùng phát triển, chống tư tưởng ỷ lại, nơi nào, bộ phận nào, dân tộc nào trong cộng đồng mà ỷ lại thì sẽ tụt hậu vì không thể sử dụng có hiệu quả sự đầu tưu hỗ trợ của Nhà nước và sự giúp đỡ của các dân tộc anh em.

Vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc luôn luôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng. "thực hiện tốt chính sách các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển", là sức mạnh để đảm bảo sự phát triển bền vững, đạt tới mục tiêu chung là : Độc lập, dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội, dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh"./.