Cộng đồng ngưuời Việt Nam ở nuớc ngoài là nguồn lực quý báu

Hà Nội (Ttxvn 23/4/2001)
Trích phát biểu của ông Nguyễn Đình Bin, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, đại biểu Đảng bộ khối Đối ngoại tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 9 của Đảng.

...Hiện nay có trên 2,5 triệu người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống ở khắp năm Châu, trong đó phần lớn tập trung ở các nước
phương Tây, còn lại ở các nước Đông Âu và các nước láng giềng. Thời gian qua, mặc dù tình hình thế giới có nhiều biến động, song cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vẫn phát triển, ngày càng ổn định cuộc sống và hòa nhập xã hội nơi cư trú, đồng thời ngày càng hướng về cội nguồn dân tộc, về quê hương xứ sở, giữ
được những truyền thống tốt đẹp của văn hóa Việt Nam và truyền thống yêu nước, thương nòi. Có thể thấy rằng tuyệt đại đa số đồng bào ta ở nước ngoài, dù trước đây ra đi trong hoàn cảnh nào và hiện nay cách nhìn, chính kiến còn có những mặt khác nhau, nhưng trong tâm khảm của mỗi người vẫn luôn sống động tinh thần tự tôn dân tộc, luôn mong muốn đất nước giàu, mạnh, sánh vai với các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới. Chỉ một số rất ít là còn mặc cảm hận thù đối với chế độ ta. Nhưung số này, cùng với đà thắng lợi của công cuộc đổi mới, ngày càng suy giảm và bị cô lập.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một cộng đồng trẻ nhưng năng động và phát triển, là nguồn nội lực quý báu của đất
nước, trong đó bao gồm nguồn vốn và con người, đặc biệt là tài nguyên trí thức. Hàng trăm nghìn nhà trí thức, khoa học, kỹ thuật, kinh tế, doanh nghiệp được đào tạo và bươn trải tại các nước công nghiệp phát triển, tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm tiến tiến, trong đó có một thế hệ mới (người nước ngoài gốc Việt) đang lớn mạnh, từng bước thay thế lớp lớn tuổi, thay đổi cơ cấu cộng đồng, có cái nhìn đúng mực khách quan hơn về tình hình đất nước và đang trở thành đối tác đầy tiềm năng của chúng ta trong một tương lai không xa.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng ở một số nơi tập trung đông
người Việt Nam sinh sống, tính liên kết cộng đồng chưa cao, sự gắn bó tương trợ nhau còn yếu. Mặt khác do sống xa Tổ quốc, hạn chế về thông tin, đồng thời bị các thế lực thù địch thường xuyên tuyên truyền xuyên tạc, nên nhiều người chưa hiểu đúng về tình hình đất nước, về chính sách của Đảng và Nhà nước ta nói chung và đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng.

Đảng và Nhà nước ta từ trước đến nay luôn coi trọng và đánh giá cao sự đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, từ đó đã có nhiều chủ
trương, chính sách cởi mở đối với đồng bào, phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng. Đặc biệt, các chủ trương, chính sách ban hành trong thời kỳ đổi mới những năm gần đây đã từng bước đáp ứng nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của dồng bào ở người nước về các vấn đề quốc tịch, hồi hương, cấp phát hộ chiếu và những quyền lợi thiết thân khác của đồng bào. Người mang hộ chiếu Việt Nam và người gốc Việt Nam có công với đất nước nay đã được hưởng chính sách gần hoàn toàn nhưu công dân trong nước.

Để khuyến khích đồng bào tham gia xây dựng đất nước, nhiều luật và văn bản dưới luật đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho đồng bào trong các hoạt động đầu tưu, buôn bán, gửi tiền về giúp đỡ thân nhân và đóng góp chất xám cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước.

Thời gian qua, cùng với tác động của những thành tựu trong công cuộc đổi mới cũng như trên lĩnh vực đối ngoại, những chính sách và biện pháp nói trên đã góp phần tạo nên xu hướng trở về nguồn ngày càng phát triển trong kiều bào. Trong cộng đồng đang diễn ra sự chuyển hóa tích cực, ngày càng có nhiều người về thăm đất nước, hồi hương, hoặc về tìm cơ hội kinh doanh, đầu tưu, hợp tác khoa học kỹ thuật.

Kể từ năm 1987 mới có 8.000 lượt người về thăm quê hương, đến năm 2.000 đã có 360.000 lượt người. Số lượng kiều hối gửi về nước cũng gia tăng đáng kể trong vài năm trở lại đây. Về lĩnh vực đầu tưu, đến nay kiều bào đã có 50 dự án trị giá 200 triệu đô la Mỹ theo Luật Đầu tưu nước ngoài; 483 dự án với 763 tỷ đồng theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước. Hiện có trên 100 công ty và văn phòng đại diện của kiều bào hoạt động tại Việt Nam. Riêng người Việt Nam ở Đông Âu đã giúp xuất khẩu trên 200 triệu đô la hàng hóa hằng năm sang các nước này. Hằng năm có chừng 200 nhà khoa học, trí thức về nước làm công tác giảng dạy, tư vấn. Phong trào quyên góp hỗ trợ đồng bào các vùng bị thiên tai và tham gia các dự án xóa đói giảm nghèo trong nước phát triển mạnh.

Những kết quả nêu trên tuy còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của cộng đồng và chưa đáp ứng được tất cả nguyện vọng của đồng bào ta nhưng có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nên chuyển biến tích cực trong nhận thức và thái độ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với đất nước.

Tuy nhiên công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài còn có những mặt tồn tại mà nguyên nhân trước hết và chủ yếu là từ phía trong nước. Chúng ta chưa có một quyết sách mạnh mẽ và lâu dài cho công tác này; nhiều chính sách đã ban hành chưa thể hiện đầy đủ tư tưởng chỉ đạo mà Trung ương Đảng đã đề ra; tính khả thi trong một số chính sách cụ thể còn thấp. Mặt khác, các chủ trương, chính sách đã ban hành cũng chưa được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, nhất quán.
Để tạo chuyển biến cơ bản và mạnh mẽ trong công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới đúng như tinh thần Báo cáo Chính trị trình Đại hội 9, góp phần khai thác mọi tiềm năng và lợi thế của kiều bào phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chúng tôi xin kiến nghị mấy điểm sau:

Một là ngay sau Đại hội này, cùng với việc học tập, quán triệt nội dung các văn kiện Đại hội, đề nghị các cấp ủy Đảng quan tâm phổ biến quán triệt rộng rãi đến mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, để mọi người hiểu rõ ý nghĩa chính trị quan trọng và những quan điểm cơ bản của Đảng trong công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài để cùng nhau thực hiện; coi đó là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân, của các cấp, các ngành và các tổ chức đoàn thể quần chúng.

Hai là các chủ trương, chính sách sẽ ban hành tới đây liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài cần thể hiện đúng tinh thần quan điểm coi đồng bào "là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam", thể hiện trách nhiệm cao của Nhà nước bảo hộ quyền lợi chính đáng của đồng bào; xóa bỏ mọi sự phân biệt đối xử về quyền lợi được hưởng giữa người ở trong nước và người ở ngoài nước, đồng thời từng bước tạo điều kiện để đồng bào ở ngoài nước thực hiện một số nghĩa vụ đối với đất nước. Các chủ trương, chính sách phải đủ sức hấp dẫn, khuyến khích đồng bào trở về hợp tác làm ăn với trong nước; góp phần thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc, bỏ qua quá khứ, cùng nhau hợp tác kiến tạo một tương lai rực rỡ: quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, xã hội thật sự công bằng, dân chủ và văn minh, mọi người dân, mọi gia đình đều hạnh phúc.

Ba là cần tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan, giữa Trung ương và địa phương, giữa trong nước và ngoài nước, giữa cơ quan quản lý Nhà nước với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức quần chúng rộng rãi để thực thi có hiệu quả các chủ trương, chính sách đã ban hành. Khắc phục tình trạng một số chủ trương, chính sách đã được ban hành nhưng chưa được quán triệt và thực hiện một cách nghiêm túc và nhất quán.

Chúng tôi tin tưởng rằng cùng với quyết tâm và nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân đưa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 9 vào cuộc sống, việc ban hành kịp thời các chính sách mới cần thiết với
người Việt Nam ở nước ngoài và quan trọng hơn việc thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các chủ trương, chính sách đó sẽ góp phần trực tiếp tạo nên sự đồng thuận giữa đồng bào ở trong nước và đồng bào ở ngoài nước để thực hiện thắng lợi những mục tiêu mà Đại hội 9 đề ra./.