Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ tổ chức lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

 
Đài Tiếng nói Việt Nam - Trong hai ngày 11-12/10, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ tổ chức đón tiếp đại diện chính quyền, Quốc hội Mỹ, đoàn ngoại giao các nước ở thủ đô Washington, các tổ chức, cá nhân, cán bộ, nhân viên, thân nhân các gia đình của Đại sứ quán và các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Mỹ cùng đông đảo sinh viên, bà con Việt kiều đang sinh sống, học tập tại Mỹ đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ghi sổ tang tại trụ sở Đại sứ quán. 
 
Đúng 8h 30, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường thay mặt toàn bộ nhân viên Đại sứ quán thắp nén nhang đầu tiên thành kính tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nêu bật công lao của ông trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm cũng như trong công cuộc tái thiết đất nước. 
 
Thay mặt chính phủ Mỹ, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Scott Marciel gửi lời chia buồn sâu sắc trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong sổ tang Đại tướng, ông Marciel viết: "Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người và một nhà lãnh đạo quan trọng đối với nhân dân Việt Nam. Dù từng là đối thủ của Hoa Kỳ nhưng ông đã lên tiếng ủng hộ hoà giải và cải thiện quan hệ Việt-Mỹ". Thượng nghị sỹ Tom Harkin, người đã gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội vào năm 1995 cho biết:  “Tướng Giáp là một nhà lãnh đạo vĩ đại và mọi người đã đi theo con đường của ông. Ông đặc biệt thông minh và sáng suốt. Tôi nhớ trong cuộc gặp kéo dài hai giờ với Tướng Giáp, ông không bao giờ đề cập tới sự xâm lược của Mỹ mà chỉ đề cập về sai lầm của nước Mỹ. Tướng Giáp hoàn toàn đúng. Đó là một sai lầm rất lớn, khiến rất nhiều người bị tổn thương và nhiều người thiệt mạng. Tôi cũng không bao giờ nhận thấy ông có tư tưởng thù hằn sâu sắc đối với người dân Mỹ. Tôi đã viết một cuốn sách, trong đó nói rằng tướng Giáp đã để lại rất nhiều bài học cho tất cả mọi người, nhất là những người đang đấu tranh cho độc lập, tự chủ và phẩm giá. Tôi nghĩ rằng đó là di sản mà tướng Giáp đã để lại.” Hạ Nghi sĩ Eni Faleomavaega và Hạ nghị sĩ Madeleine Bordallo cũng đã đến viếng và ghi sổ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 
 
Đại diện các nước Lào, Campuchia, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Algeria, Nga, Ba Lan.... tại Hoa Kỳ đều bày tỏ sự tiếc thương và kính trọng đối với vị tư lệnh huyền thoại của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đại sứ Campuchia, Hem Heng viết trong sổ tang: "Thay mặt chính phủ Hoàng gia Campuchia, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam trước sự ra đi của một anh hùng đã cống hiến toàn bộ cuộc đời để phụng sự đất nước". Đại sứ Singapore, Ashok Kumar Mirpuri bày tỏ: "Tướng Giáp đóng một vai trò mấu chốt trong việc định hình các sự kiện tại Đông Nam Á và sẽ luôn được ghi nhớ như một vị khai quốc công thần của đất nước Việt Nam." Phó Đại sứ Algeria, Yazid Bouzid nhấn mạnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đã đóng vai trò quan trọng trong việc xoá bỏ chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới. “Hôm nay, đất nước Algeria chúng tôi xin được chia sẻ nỗi đau buồn cùng nhân dân Việt Nam. Xuất phát từ đáy lòng, chúng tôi cảm thấy rằng đây không chỉ là sự tổn thất lớn lao đối với Việt Nam, mà còn là sự mất mát của Algeria. Thực sự đáng tiếc khi một người vĩ đại như vậy đã không còn nữa.”
 
Ông David Schwartzman, một người dân Washington DC đã tỏ lòng kính trọng đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua những dòng chữ để lại trong sổ tang: "Tướng Giáp là một anh hùng của toàn  nhân loại về sự lãnh đạo của ông trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và chống chủ nghĩa đế quốc". Với bà con Việt kiều, dù Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi xa nhưng đạo đức, nhân cách và trí dũng của ông sẽ mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm của người dân Việt. Ông Peter Phạm ghi trong sổ tang: "Đất nước Việt Nam đã mất đi một người con vĩ đại, một anh hùng trong thời chiến và một nhà chính trị tài ba trong thời bình." Bà Thảo Griffiths viết: "Một trong những bài học mà tướng Giáp để lại là sống vì người khác". Nguyễn Thế Hoài, một người Việt đang làm việc tại Mỹ nguyện tiếp nối con đường mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các thế hệ đi trước đã xây dựng qua những nét bút đầy tâm huyết: "Tuy cháu còn nhỏ tuổi nhưng xin phép Bác cho cháu được một lần gọi là đồng chí, vốn là cách xưng hô của những người cùng chung lý tưởng, chung một mục đích. Chúng ta đều có chung mong muốn là Việt Nam phải là một nước độc lập, nhân dân được ấm no. Cảm ơn bác đã cùng các anh hùng chiến sỹ khác đổ biết bao xương máu để giữ cho quê hương, đất nước ta tránh khỏi nỗi đau mất nước. Giờ đây, thế hệ chúng cháu sẽ đảm đương trách nhiệm đưa Việt Nam thoát khỏi nghèo đói, lạc hậu."