Hoạt động của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Hoa Kỳ

Trưa 24/7 (theo giờ địa phương), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước Việt Nam đã tham dự tiệc chiêu đãi của Chính phủ Hoa Kỳ do Ngoại trưởng John Kerry chủ trì, với sự tham dự của hơn 100 khách mời gồm các thành viên nội các, lãnh đạo Quốc hội và lãnh đạo doanh nghiệp Hoa Kỳ.
 
Trong bài phát biểu chào mừng, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã nhắc lại kỷ niệm gắn bó với Việt Nam từ thời chiến tranh, quá trình bình thường hóa quan hệ hai nước. Ngoại trưởng khẳng định Chính phủ Mỹ coi trọng và mong muốn quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới thông qua các cơ chế hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.
 
Cảm ơn sự tiếp đón nồng nhiệt và trọng thị của Chính quyền Hoa Kỳ đã dành cho đoàn, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, sau hơn 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, từ một nước kém phát triển, Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước có thu nhập trung bình với tốc độ tăng trưởng khá và đã đạt trước thời hạn nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ. Chính sách của Việt Nam là duy trì đà tăng trưởng, tiếp tục cải thiện đời sống người dân, tái cơ cấu nền kinh tế và đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng. 
 
Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục triển khai chính sách đối ngoại chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Việt Nam mong muốn là một thành viên có trách nhiệm, đáng tin cậy và đóng góp tích cực trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế nhằm duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác ở Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương.
 
Chủ tịch nước nêu rõ, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới đang có nhiều biến động, vai trò và trách nhiệm của các cường quốc, trong đó có Hoa Kỳ đối với việc xử lý các điểm nóng ở khu vực đang ngày càng trở nên cấp thiết. Trên tinh thần đó, Việt Nam hoan nghênh Hoa Kỳ tăng cường quan hệ hợp tác với châu Á - Thái Bình Dương vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực.
 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, trong chính sách đối ngoại, Việt Nam coi trọng và xem Hoa Kỳ là một đối tác quan trọng hàng đầu. Quan hệ hai nước đã đạt được những bước tiến tích cực thời gian qua trên cơ sở khuôn khổ quan hệ đối tác tích cực, hữu nghị, xây dựng, hợp tác nhiều mặt, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Chủ tịch nước vui mừng nhận thấy quan hệ kinh tế-thương mại tiếp tục giữ vị trí trọng tâm và là động lực thúc đẩy quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ.
 
Chủ tịch nước cũng cho rằng, thông qua các cuộc đối thoại, Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ hiểu nhau hơn, nhất là về cách tiếp cận cũng như những đặc thù về văn hóa, lịch sử của mỗi bên. Việt Nam luôn nỗ lực để bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, phấn đấu để người dân được hưởng những thành quả tốt đẹp nhất của công cuộc đổi mới. Cũng như những gì Chính quyền Hoa Kỳ đang hướng tới, Việt Nam không ngừng cải thiện các chương trình y tế, xã hội, giáo dục cho người dân, đặc biệt là những người dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; ưu tiên phát triển công nghệ thông tin, truyền thông, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có tốc độ sử dụng internet tăng nhanh nhất thế giới; nỗ lực để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, duy trì các giá trị văn hóa, truyền thống đa dạng của người dân.
 
Chủ tịch nước khẳng định hai nước đang đứng trước những cơ hội để đưa quan hệ song phương sang giai đoạn phát triển mới. Hai bên cần tiếp tục làm sâu sắc các lĩnh vực hợp tác, thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực trọng tâm như kinh tế-thương mại-đầu tư, khoa học-công nghệ, giáo dục đào tạo, khắc phục hậu quả chiến tranh và cùng các đối tác sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), duy trì đối thoại thẳng thắn và cởi mở về những vấn đề khác biệt.
 
Chủ tịch nước tin tưởng, trên tinh thần xây dựng, hợp tác cùng có lợi, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau và với nền tảng vững chắc của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ được xây dựng trong 18 năm qua, cũng như sự nỗ lực không ngừng của Chính phủ và nhân dân hai nước, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu, góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển tại châu Á-Thái Bình Dương.
 
Chiều 24/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp các nghị sỹ hai viện Quốc hội Hoa Kỳ và Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ.
 
Tại các cuộc gặp, các nghị sỹ Hoa Kỳ nhấn mạnh chuyến thăm của Chủ tịch nước mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, đồng thời khẳng định Hoa Kỳ coi trọng vai trò của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và Quốc hội Mỹ ủng hộ chính quyền trong chính sách đưa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ phát triển lên tầm mức cao hơn. Các nghị sỹ chia sẻ quan tâm về một số vấn đề khu vực, trong đó có vấn đề an toàn, an ninh hàng hải ở Biển Đông; đánh giá cao những nỗ lực của ASEAN và Việt Nam trong việc thúc đẩy đàm phán chính thức về Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh đóng góp của các nghị sỹ đối với sự phát triển của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ; đề nghị các nghị sỹ tiếp tục ủng hộ quan hệ nhiều mặt giữa hai nước trên các lĩnh vực song phương, cũng như các vấn đề toàn cầu, khu vực. Chủ tịch nước đề nghị các nghị sỹ thúc đẩy cơ chế đối thoại giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Hoa Kỳ, khuyến khích tăng cường quan hệ giữa các địa phương của hai nước. Chủ tịch nước cũng trao đổi cởi mở về quan tâm của các nghị sỹ về tình hình bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam.
 
Chiều và tối 24/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng có các cuộc gặp với Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde, dự tọa đàm bàn tròn và chiêu đãi của các doanh nghiệp Mỹ.
 
Chủ tịch nước đề nghị Ngân hàng thế giới tiếp tục dành cho Việt Nam vốn vay ưu đãi ODA, hỗ trợ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng; đề nghị IMF tăng cường tư vấn chính sách, ủng hộ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam.
 
Chủ tịch WB và Tổng Giám đốc IMF khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam và tin tưởng với các biện pháp toàn diện hiện nay, nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua được những thách thức kinh tế vĩ mô.
 
Phát biểu tại tiệc chiêu đãi của các doanh nghiệp Mỹ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, trong 18 năm qua, Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại hàng đầu, và là nhà đầu tư lớn thứ 7 tại Việt Nam. Chủ tịch bày tỏ quan điểm, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục khẳng định sự năng động và vai trò đầu tầu trong tăng trưởng và liên kết kinh tế thế giới, đóng góp gần 40% tăng trưởng toàn cầu. Các cơ chế liên kết kinh tế hiện có ở khu vực tiếp tục được củng cố và đi vào chiều sâu, đồng thời đang hình thành nhiều tầng nấc mới với nội hàm liên kết sâu rộng và mức độ cam kết cao.
 
Các đàm phán trong khuôn khổ TPP, khuôn khổ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Khu vực thương mại tự do Đông Bắc Á… tạo nên những xung lực đầy tiềm năng cho thuận lợi hóa, tự do hóa thương mại và đầu tư, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng của từng quốc gia và cả khu vực. Việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 sẽ mở ra thời kỳ phát triển hoàn toàn mới; trở thành một tâm điểm trong mạng lưới kinh tế - thương mại và liên kết ở châu Á-Thái Bình Dương.
 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ, Việt Nam đang tiếp tục đổi mới sâu sắc, triển khai mạnh mẽ tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hội nhập quốc tế sâu rộng trên mọi tầng nấc, trở thành cầu nối gắn kết các nền kinh tế ASEAN lục địa với ASEAN hải đảo trong không gian kinh tế thống nhất. Năm 2013, lần đầu tiên Việt Nam tiến hành đồng thời các đàm phán về khu vực thương mại tự do với tất cả các trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới, tạo các nền tảng lợi ích cho quan hệ đối tác bình đẳng, dài hạn, mang tính xây dựng và cùng có lợi. Với triển vọng hoàn tất 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA) giai đoạn 2015 - 2020, Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên G-20.
 
Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam hết sức coi trọng tiến trình đàm phán TPP, một trong những liên kết kinh tế tiềm năng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương với nội dung hợp tác sâu rộng và tiêu chí cao. Việt Nam quyết tâm cùng Hoa Kỳ và các nước thành viên kết thúc đàm phán TPP vào cuối năm nay dựa trên sự cân bằng lợi ích của các nước thành viên và tính đến sự đa dạng trong trình độ phát triển của mỗi nước.
 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị các doanh nghiệp Hoa Kỳ mở rộng kinh doanh và đầu tư lâu dài tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng, chế tạo, môi trường, công nghệ thông tin, hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển nguồn nhân lực..., góp phần đưa Việt Nam tham gia vào những công đoạn cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam sẽ triển khai mạnh mẽ các biện pháp để bảo đảm là một điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư hiệu quả./.