Tăng cường xuất khẩu lao động và chuyên gia



Hà Nội (Ttxvn 23/5/2001)
Tại cuộc tọa đàm về công tác xuất khẩu lao động và chuyên gia do Bộ Lao động-thương binh và Xã hội tổ chức ngày 22/5/2001, tại Hà Nội, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Lương Trào cho biết, từ đầu năm đến nay Bộ đã phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan tổ chức khảo sát để mở rộng thị trường lao động tại khu vực Trung Đông và Malaysia.

Bộ cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp làn công tác xuất khẩu lao động khảo sát thị trường Hy Lạp, Cộng hòa Ailen.

Bộ đã làm việc với các cơ quan chức năng của Hàn Quốc và Nhật Bản để bàn các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý việc tu nghiệp sinh tự ý bỏ hợp đồng tu nghiệp.

Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp làm công tác xuất khẩu lao động thực hiện tốt hơn việc tyển chọn, đào tạo, giáo dục lao động; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và có những xử lý kịp thời đối với các doanh nghiệp hoạt động sai chức năng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Trong thời gian qua, một số cơ chế, chính sách mới về xuất khẩu lao động đã được xây dựng và ban hành như Nghị quyết của Chính phủ về một số biện pháp xử lý đối với tu nghiệp sinh Việt Nam ở Hàn Quốc, Nhật Bản tự ý bỏ hợp đồng tu nghiệp; quy chế của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc đưa tu nghiệp sinh Việt Nam sang tu nghiệp tại Nhật Bản và quyết định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc cho vay đối với người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài...

Sắp tới Nhà nước sẽ áp dụng việc giảm tiền đặt cọc và phí dịch vụ cho người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Hiện cả nước có 168 doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động chuyên doanh đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; trong đó có 152 doanh nghiệp Nhà nước, 13 doanh nghiệp thuộc các đoàn thể trung ương, 3 doanh nghiệp tư nhân.

Trong 4 tháng đầu năm nay, cả nước đã có khoảng 11.000 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trong đó 55% theo hợp đồng cung ứng lao động, còn lại theo hợp đồng trực tiếp, nhận thầu, khoán xây dựng công trình...

Các thị trường chính tiếp nhận lao động Việt Nam hiện vẫn là Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Lybie./.