Cuộc vận động ủng hộ trẻ em khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam



Ngày 22-3 tại Hà Nội, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam đã tổ chức phát động "Cuộc vận động ủng hộ trẻ em khuyết tật, đặc biệt là trẻ em nạn nhân chất độc
da cam" kéo dài từ nay đến năm 2005.

Đến dự lễ phát động cuộc vận động ủng hộ này có hơn 500
người gồm đại diện sứ quán các nước tại Việt Nam, đại diện của các tổ chức quốc tế, tổ chức Chính phủ và phi chính phủ của nhiều nước, đại diện các bộ ngành, tổ chức đoàn thể xã hội trong nước, đại diện của nhiều công ty trong và ngoài nước, đại diện các trường đại học, các viện nghiên cứu đóng tại Hà Nội.

Tại Lễ phát động, một số trích đoạn trong cuốn phim "nơi chiến tranh đã đi qua" của đạo diễn Vũ Lệ Mỹ đã được chiếu, ghi lại những cảnh tượng về thảm cảnh và hậu quả thảm khốc của cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra từ năm 1961 tại Việt Nam và kêu gọi Chính phủ Mỹ vì lương tâm và trách nhiệm giải quyết những hậu quả này.

Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã kêu gọi các tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị kinh tế, các cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cưu ở nước ngoài... với khả năng cao nhất hãy tham gia đóng góp vật chất, động viên tinh thần, chăm sóc đùm bọc giúp đỡ thường xuyên các em bị tật nguyền, đặc biệt là các em nạn nhân chất độc da cam. Bà kêu gọi các tổ chức, cá nhân quốc tế, những người có lương tri trên thế giới hãy đóng góp vào các chương trình chăm sóc phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật; cứu trợ các gia đình có trẻ khuyết tật; giúp Việt Nam tẩy sạch những nơi còn lưu chất độc hóa học da cam; giúp tháo gỡ bom mìn còn sót lại.

Đại diện của Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm quốc tế nhắc lại lời cam kết tại Hội nghị quốc tế của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm khu vực châu á Thái Bình Dương năm 1998 là sẽ hỗ trợ cho các nạn nhân chịu hậu quả của các xung đột vũ khí như mìn và chất độc da cam, đồng thời nói rằng Hiệp hội sẽ tiếp tục giúp Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam xúc tiến các hoạt động, tăng nguồn vốn và các hỗ trợ kỹ thuật cần thiết cho cuộc vận động nói trên.


Địa chỉ liên hệ:

Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam (Agoravif)