Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả nổi bật trong chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh

Thưa Thứ trưởng, đề nghị ông có thể cho biết những kết quả quan trọng nhất trong chuyến thăm lần này?

Chuyến thăm này đạt được những kết quả rất nổi bật.

Thứ nhất, chúng ta đã chuyển tải thông điệp rất rõ đến chính giới cũng như doanh nghiệp Hoa Kỳ, là Việt Nam tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới trên tất cả các lĩnh vực. Việt Nam khẳng định tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đưa quan hệ với các đối tác- trong đó có Hoa Kỳ- đi vào chiều sâu. Những thông điệp của chúng ta chuyển tải rất được các doanh nghiệp và chính giới Hoa Kỳ quan tâm.

Thông điệp thứ hai, Việt Nam sẽ tiến hành đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Chúng ta cũng khẳng định tái cơ cấu không chỉ ở 3 lĩnh vực mà chúng ta chọn làm trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp tập trung vào các doanh nghiệp nhà nước; và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng – tài chính tập trung vào các ngân hàng thương mại. Chúng ta sẽ tiến hành tái cơ cấu trên các lĩnh vực khác để đảm bảo mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng. Chính qua thông điệp này, các doanh nghiệp Hoa Kỳ ghi nhận và đánh giá rằng giữa hai nước còn tiềm năng rất lớn để có thể tiếp tục hợp tác trong thời gian tới.

Quan hệ hợp tác giữa hai nước trong hơn 15 năm qua- kể từ khi bình thường hóa quan hệ- đã phát triển rất sâu rộng và ngày càng hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo, và đó chính là cơ sở để hai nước tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác trong thời gian tới.

Việt Nam mong muốn phía Hoa Kỳ, nhất là các doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ đồng thời xóa bỏ những rào cản thương mại đối với những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ như cá tra, cá ba sa, tôm, ống thép cuộn các-bon, trụ điện gió... Phó Thủ tướng cũng đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ và dành cho Việt Nam quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập... nhằm khai thác hơn nữa tiềm năng, lợi thế của mỗi bên.

Những thông điệp đó được chính giới và các doanh nghiệp Hoa Kỳ nhìn nhận tích cực.

Xin ông cho biết tại các cuộc gặp, hai bên đánh giá như thế nào về quan hệ Việt Nam– Hoa Kỳ?

Chỉ trong 3 ngày làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có nhiều cuộc gặp gỡ với chính giới, đại diện Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành, cũng như các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ. Qua trao đổi gặp gỡ, có thể thấy mấy điểm đáng chú ý.

Đó là hai bên đánh giá rất cao quá trình phát triển quan hệ của hai nước từ khi bình thường hóa quan hệ đến nay đã phát triển rất sâu rộng về mọi mặt, đặc biệt là về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học kĩ thuật, giáo dục, văn hóa. Đặc biệt trong năm 2011 vừa qua, quan hệ thương mại song phương tăng rất nhanh, đạt kim ngạch trên 21 tỉ USD, tăng hơn 20% so với năm 2010 trong bối cảnh tình hình thế giới có rất nhiều biến động, nhiều nước gặp khó khăn do khủng hoảng về kinh tế.

Hai bên cũng nhìn nhận thị trường và tiềm năng phát triển của Việt Nam là rất lớn.

Các doanh nghiệp, chính giới Hoa Kỳ đều rất quan tâm và cũng đánh giá rất cao công cuộc đổi mới của Việt Nam, nhất là điều này được tiếp tục xác nhận kể từ Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trên tinh thần đó, những biện pháp quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là sau khi có Nghị quyết số 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, gần đây là chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đã nhận được sự quan tâm rất lớn của chính giới Hoa Kỳ trong các cuộc tiếp xúc.

Các doanh nghiệp Hoa kỳ cho rằng đây là thời cơ rất tốt để hai bên mở rộng quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư.

Thưa Thứ trưởng, được biết hai nước đang tiến hành đàm phán để nâng mối quan hệ hợp tác lên một tầm cao mới. Xin Thứ trưởng cho biết nội dung này đã được đề cập trong các cuộc gặp gỡ như thế nào?

Quan hệ giữa hai nước như đã nói, kể từ khi được bình thường hóa đến nay đã dần được mở rộng, dần đi vào chiều sâu trên rất nhiều lĩnh vực. Hợp tác lúc đầu chỉ là hợp tác trong lĩnh vực nhân đạo, sau đó mở rộng ra hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, và đến nay là trên cả những lĩnh vực khác như giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, kể cả hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Chính việc mở rộng mối quan hệ đã tạo ra nền tảng rất tốt để hai nước nâng cấp mối quan hệ lên một tầm cao mới.

Trong chuyến công tác lần này của Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh dẫn đầu, hai bên cho rằng với nền tảng sẵn có, cần phải có chương trình hợp tác rất cụ thể để nâng tầm mối quan hệ giữa hai nước. Thông qua các cuộc trao đổi, hai bên đã hiểu nhau hơn, hiểu rõ những vấn đề cần hợp tác cũng như những vấn đề cần tiếp tục trao đổi thẳng thắn.

Trên tinh thần đó, tôi nghĩ rằng với thiện chí và sự quan tâm sâu sát của chính quyền và các doanh nghiệp Hoa Kỳ đối với Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể tiếp tục đẩy mạnh hợp tác để nâng mối quan hệ giữa hai bên lên tầm cao mới trong thời gian tới.

Cũng với tinh thần đó, trong chuyến đi này, Phó Thủ tướng đã giao trách nhiệm cho các bộ ngành liên quan, đặc biệt là ngành Ngoại giao, trao đổi với phía bạn các nội dung hợp tác để tiến tới việc có thể nâng cấp mối quan hệ hai nước lên tầm cao mới.

Trong những ngày qua, đoàn đã có các cuộc gặp gỡ, làm việc với lãnh đạo các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Công ty Tài chính quốc tế (IFC). Xin Thứ trưởng cho biết đánh giá của các tổ chức này đối với các chính sách vĩ mô mà Việt Nam đang áp dụng?

Như tôi đã nói, một trong các thông điệp mà Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chuyển tải trong chuyến thăm Hoa Kỳ lần này là trong năm 2012 và một vài năm tiếp theo, Việt Nam tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội. Trọng tâm thứ hai là chúng ta tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Phó Thủ tướng cũng nêu 3 khâu đột phá trong thực hiện chiến lược kinh tế – xã hội 2011-2015 là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng và quy mô đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế với các định chế tài chính quốc tế nói trên.

Với những mục tiêu tổng quát đó, cả WB và IMF đều đánh giá rất cao và cho rằng chính sách mới nào được ban hành cũng có độ trễ nhất định, tuy nhiên nếu Việt Nam kiên quyết và nghiêm túc thực hiện những giải pháp đó thì năm 2012, Việt Nam sẽ kiềm chế được, đưa tỉ lệ làm phát xuống mức 1 con số, đồng thời tiếp tục duy trì được tăng trưởng hợp lý.

Quan trọng hơn nữa là các tổ chức tài chính quốc tế khẳng định sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong thực hiện những mục tiêu nêu trên.

Lãnh đạo WB, IMF, IFC có đề nghị chúng ta đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn vay, để có điều kiện nhiều hơn trong triển khai những dự án khác. Tới đây, cả WB và IMF sẽ cử các đoàn chuyên gia sang Việt Nam làm việc với các bộ, ngành, các cơ quan chức năng liên quan để góp ý, tư vấn.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!