Việt Nam bác bỏ báo cáo xuyên tạc về tình hình Tây Nguyên

Hà Nội (TTXVN 19/12/2002)

Ngày 19/12, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên trong nước và nước ngoài đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước bản báo cáo ngày 18/12/2002 của Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) trong đó nói "Việt Nam tiếp tục đàn áp có hệ thống người dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên, nhất là các tín đồ đạo Tin lành", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh:

"Đây là một bản báo cáo xuyên tạc trắng trợn tình hình thực tế ở Tây Nguyên. Chúng tôi kiên quyết bác bỏ.

Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội và an ninh-quốc phòng với 4,5 triệu dân trong đó có 1/3 là đồng bào các dân tộc thiểu số. Đây là vùng đất giàu tiềm năng và có nhiều lợi thế để phát triển. Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách và biện pháp phát triển kinh tế, xã hội của vùng đất này. Trong những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tăng trưởng kinh tế của các tỉnh Tây Nguyên thường đạt trên 10% (bằng 1,5 lần tăng trưởng chung của cả nước), đời sống của đại bộ phận nhân dân không ngừng được nâng cao, số hộ đói nghèo giảm xuống đáng kể. Nếu như trước ngày giải phóng 90% số dân Tây Nguyên mù chữ thì nay tỉ lệ người trong độ tuổi đi học và biết chữ trên 90%. Đến năm 2000, các tỉnh Tây Nguyên đã được công nhận phổ cập giáo dục cấp tiểu học và xóa mù. Hơn 2/3 số dân đã dùng điện lưới quốc gia. Hệ thống giao thông nối liền các tỉnh, các huyện, các xã, buôn, làng ngày càng phát triển, 100% có đường ô tô đến các xã.

Hoàn toàn không có việc "tín đồ theo đạo Tin lành bị đàn áp ở Tây Nguyên". Trong những năm qua, số tín đồ các tôn giáo, trong đó có đạo Tin lành không ngừng tăng. Hội Thánh Tin lành Việt Nam (Miền Nam) đã tổ chức Đại hội năm 2001 và có cơ sở tổ chức trên một địa bàn rộng trên 30 tỉnh phía Nam, trong đó có các tỉnh Tây Nguyên, có số lượng tín đồ, mục sư truyền đạo chiếm khoảng 80% tín đồ, mục sư và nhà thờ trong cả nước.

Liệu những người dân ở đó mà "bị đàn áp" thì có thể có sự phát triển như vậy được không?

Trong thời gian qua, nhiều đoàn của các Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán của các nước ở Hà Nội và các nhà báo nước ngoài đã đến thăm Tây Nguyên và chứng kiến tận mắt tình hình ổn định, sự phát triển cũng như việc triển khai các dự án nước ngoài ở Tây Nguyên (các dự án về nông nghiệp và phát triển nông thôn, tín dụng của Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Nhật Bản và các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á...) đều có nhận xét tích cực về tình hình tại các tỉnh họ đã đến thăm như Đắc Lắc, Gia Lai, Lâm Đồng, Kon Tum.

Trước sự thật không thể phủ nhận đó, các phần tử chống đối Việt Nam không thể làm được gì hơn là tiếp tục đưa ra những luận điệu vu cáo Việt Nam. Phải chăng họ lại đang chuẩn bị cho mọi âm mưu mới chống Việt Nam bằng cách gây kích động, gây xáo trộn tình hình ở Tây Nguyên. Chúng tôi tin rằng sự thật vẫn là sự thật và những sự vu cáo trên sẽ chẳng có thể thuyết phục được ai".