Thông cáo của ủy ban thường vụ Quốc hội

Hà Nội (Ttxvn 27/10/2001)
Từ ngày 23 đến ngày 26-10-2001, ủy ban thường vụ Quốc hội đã họp tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An.

1- ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa X và nhận thấy rằng, đến nay các công việc chuẩn bị cho kỳ họp đã cơ bản hoàn thành, ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập kỳ hợp thứ 10, Quốc hội khóa X, khai mạc ngày 20-11-2001 tại hội trường Ba Đình, Hà Nội.

ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan trình dự án, báo cáo và các cơ quan nhà nước hữu quan khác tiếp tục khẩn trương hoàn thành các công việc chuẩn bị để góp phần bảo đảm cho kỳ họp của Quốc hội thành công tốt đẹp.

2- ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe các báo cáo và cho ý kiến về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2001; phương hướng, nhiệm vụ và dự toán ngân sách nhà nước năm 2002; về tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 2000 và về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2001-2005.

ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các báo cáo của Chính phủ và các báo cáo, ý kiến thẩm tra của ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội và nhấn mạnh thêm các vấn đề sau đây:

- Về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2001: ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, năm 2001, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết không thuận, thiên tai - nhất là lũ lụt lớn, kéo dài ở nhiều nơi, nền kinh tế của khu vực và thế giới suy giảm tác động bất lợi đến kinh tế nước ta...;
nhưng với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, nền kinh tế-xã hội nước ta đã vượt qua khó khăn và đạt
được những kết quả quan trọng: Hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch năm 2001 đều đạt; tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2000, sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao, sản xuất nông nghiệp vẫn giữ được mức tăng trưởng khá và bước đầu đã có sự chuyển đổi cơ cấu; các lĩnh vực văn hóa-xã hội có chuyển biến tích cực; quốc phòng- an ninh được giữ vững; chính trị- xã hội ổn định; hoạt động đối ngoại tiếp tục mở rộng và tăng cường; đời sống nhân dân được cải thiện.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nền kinh tế -xã hội nước ta cũng bộc lộ những khó khăn, yếu kém như quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, sản xuất tuy tăng khá nhưng chất
lượng và hiệu quả chưa cao; nhiều vấn đề xã hội bức xúc giải quyết chưa có hiệu quả; công tác quản lý vĩ mô còn hạn chế, việc chỉ đạo thực hiện một số cơ chế, chính sách thiếu kiên quyết và hiệu quả còn thấp.

Để hoàn thành kế hoạch năm 2001, nhiệm vụ của những tháng còn lại rất nặng nề. ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu các ngành, các cấp, các địa phương tập trung sức khắc phục khó khăn, thực hiện tốt các biện pháp điều hành của Chính phủ nhằm hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu đã đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội.

- Về phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch năm 2002: ủy ban
thường vụ Quốc hội nhất trí các mục tiêu tổng quát, các nhiệm vụ cụ thể và các giải pháp điều hành của Chính phủ và yêu cầu Chính phủ cần đánh giá hết những khó khăn, thuận lợi của năm 2002 để xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch bảo đảm vừa có tính phấn đấu cao, vừa có tính khả thi trong việc thực hiện để trình Quốc hội xem xét. ủy ban thường vụ Quốc hội nhấn mạnh thêm một số giải pháp sau: Tiếp tục phát huy nội lực, tăng cường huy động vốn đầu tư trong dân cư, chú trọng phát triển thị trường nội địa; tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, bảo đảm việc tiêu thụ và xuất khẩu hàng nông sản; tăng cường cổ phần hóa và sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các loại hình hợp tác xã; nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại; tiếp tục giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc như việc làm, xóa đói giảm nghèo, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

- Về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2001-2005, ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với đánh giá tình hình,
phương hướng, nhiệm vụ và các mục tiêu chủ yếu trong báo cáo của Chính phủ và lưu ý một số nội dung sau: Trên cơ sở quán triệt mục tiêu tổng quát của kế hoạch 5 năm 2001-2005 do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đề ra, phải phấn đấu bảo đảm cho nền kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững, chính trị-xã hội ổn định. Trước hết, cần tiếp tục thực hiện nhất quán chính sách kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và công dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; hình thành đồng bộ các yếu tố thị trường; tăng cường hiệu lực của các công cụ, chính sách quản lý vĩ mô; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và mở rộng hợp tác kinh tế đối ngoại; đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh.

3- ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về việc chuẩn bị trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.

Việc ký kết Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ là bước tiến quan trọng trong việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai quốc gia, vì lợi ích của nhân dân hai nước. Đối với Việt Nam, đây là cơ hội thuận lợi nhưng cũng đứng trước những thách thức lớn trên con đường phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu Bộ Thương mại phối hợp chặt chẽ với ủy ban đối ngoại của Quốc hội và các cơ quan nhà
nước hữu quan khác tiếp tục hoàn tất các công việc chuẩn bị để trình Quốc hội xem xét, quyết định việc phê chuẩn Hiệp định tại kỳ họp thứ 10 sắp tới./.