Kinh tế Việt Nam đã có bước chuyển biến tích cực




Hà Nội (Ttxvn 13/12/2000)
Năm 2000, kinh tế Việt Nam đã có những bước chuyển biến tích cực, đà giảm sút kinh tế đã được ngăn chặn, nhịp độ tăng
trưởng Gdp có thể đạt 6,7% (năm 1999 là 4,8% ), theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá tại Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức tại Hà Nội ngày 13/12.

Khu vực nông nghiệp, mặc dù bị thiệt hại do thiên tai, vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao, ước đạt 4,9% so với năm 1999; công nghiệp tăng nhanh nhất trong các ngành kinh tế, đạt mức 15,5%; các ngành dịch vụ tăng 6,0%. Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tăng 21,3%, nhập khẩu tăng 29,1% chủ yếu là nhập vật tư phục vụ sản xuất, kim ngạch nhập hàng tiêu dùng giảm 20% và chỉ chiếm 4% so với kim ngạch nhập khẩu. Việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài đã có dấu hiệu tăng sau ba năm giảm liên tiếp. Từ đầu năm đến nay, tổng vốn cấp mới và vốn tăng của các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động đã đạt 2,2 tỷ Usd. Cơ cấu ngành đầu tư cũng có nhiều thay đổi. Vốn đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp tăng từ 67% năm 1999 lên 75% năm 2000. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu trên 23% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, không kể dầu khí.

Giá cả thị trường ổn định. Thu ngân sách Nhà nước đạt cao hơn dự toán, mức bội chi không đạt quá giới hạn cho phép, cán cân thanh tóan quốc tế được cải thiện. Các cân đối lớn của nền kinh tế nhìn chung được bảo đảm.

Trong năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một lọat chính sách liên quan đến việc tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, có hiệu quả, thúc đẩy cạnh tranh và củng cố lòng tin để doanh nghiệp và dân cư tự đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh lâu dài. Việc ban hành các Nghị đinh, Quyết định của Chính phủ vừa qua không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội mà còn là bước đột phá về cải cách hành chính.
Bộ trưởng thông báo một số chính sách Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các daonh nghiệp trong nước cũng như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đó là: Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Luật Đầu tư nước ngoài sửa đổi; mở rộng các hình thức đầu tư để mở thêm các kênh thu hút đầu tư nước ngoài mới; xem xét, nghiên cứu áp dụng thí điểm cổ phần hóa một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tiếp tục thực hiện lộ trình giảm giá, phí và một số hàng hóa dịch vụ để tiến tới xây dựng một mặt bằng giá thống nhất giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Tiếp tục khuyến khích mạnh mẽ các hoạt động đầu tư trong nước; tập trung xử lý ba vấn đề đang nổi cộm của doanh nhân trong nước là đất đai làm mặt bằng sản xuất kinh doanh, tín dụng và thuế. Tiếp tục thực hiện nhất quán và đầy đủ Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này; trong quí 1/2001, cơ bản hòan thành việc rà sóat và bãi bỏ tất cả các lọai giấy phép không cần thiết, không hợp lý. Ban hành qui chế về cấp chứng chỉ hành nghề để có thể thực hiện ngay từ tháng 1/2001. Cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng và chú trọng công tác đào tạo công nhân kỹ thuật lành nghề. Tổ chức thường xuyên những cuộc tiếp xúc giữa giới doanh nhân và các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Thiết lập hệ thống mạng thông tin doanh nghiệp quốc gia, từng bước bảo đảm mọi nhà đầu tư có thể tiếp cận các lọai thông tin hỗ trợ thực hịên việc minh bạch hóa các chế độ, chính sách và qui trình hành chính liên quan đến doanh nghiệp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước; quí 1/2001 sẽ ban hành Nghị định mới về thanh tra doanh nghiệp, tách bạch rõ thanh tra và kiểm tra, hạn chế tối đa sự chồng chéo, trùng lặp trong kiểm tra doanh nghiệp./.