Bảo vệ trẻ em là uu tiên của Chính phủ Việt Nam




(Ttxvn 30/1/2001)
Theo phóng viên Ttxvn tại Liên hợp quốc, Bộ trưởng Trần Thị Thanh Thanh, Chủ nhiệm ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam, đã tham dự phiên họp trù bị lần thứ hai chuẩn bị cho Khóa họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc về trẻ em, khai mạc ngày 29/1, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York.

Hơn 2.000 đại biểu các nước thành viên Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và nhiều tổ chức phi chính phủ đã tham gia phiên họp này.

Khóa họp sẽ kiểm điểm lại việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia và quốc tế vì sự sống còn, bảo vệ và phát triển của trẻ em (1990-2000) và tiến gần hơn tới việc thực hiện các mục tiêu đã được nêu trong Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Cấp cao Thiên niên kỷ Lhq tháng 9 năm ngoái.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 55 Harri Holkeri, nêu rõ rằng Khóa họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc về trẻ em vào tháng 9 tới sẽ là cơ hội để cộng đồng quốc tế khẳng định lại cam kết của các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh về trẻ em năm 1990 nhằm đem lại một tương lai tươi sáng cho trẻ thế giới.

Bà Carol Bellamy, Giám đốc điều hành Qũy nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef) nêu rõ rằng Khóa họp đặc biệt sắp tới về trẻ em sẽ đưa ra một chương trình nghị sự toàn cầu và một kế hoạch hành động vì trẻ em thế giới trong thập kỷ này.

Đọc tham luận tại phiên họp, Bộ trưởng Trần Thị Thanh Thanh khẳng định rằng bảo vệ và chăm sóc trẻ em là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn công ước về quyền trẻ em, Việt Nam đã sớm xây dựng và thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em Việt Nam 1991-2000 ở các cấp với sự tham gia của các bộ, ngành và các tổ chức xã hội như Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội nông dân Việt Nam...

Bộ trưởng nói tiếp: Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng chính phủ, quá trình kiểm điểm và đánh giá việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em đã được thực hiện nghiêm túc từ trung ương đến cơ sở trong suốt năm 2000. Đặc biệt trong tháng 12/2000 và đầu năm 2001, Việt Nam đã tổ chức 3 diễn đàn khu vực và một hội nghị trẻ em toàn quốc với sự tham gia của hàng nghàn trẻ em ở thành phố, nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Qua kiểm điểm, nhiều mục tiêu vì trẻ em đã được thực hiện, như giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi, thanh toán các rối loạn do thiếu vitamin A, thanh toán bệnh bại liệt trẻ em, phổ cập giáo dục tiểu học.

Bộ trưởng nhấn mạnh rằng sở dĩ Việt Nam đạt được những kết quả trên là nhờ có sự kết hợp chặt chẽ nhiều nỗ lực khác nhau trên mọi phương diện từ cam kết chính trị đến các biện pháp kinh tế, văn hóa, xã hội trong đó có cả sự giúp đỡ quốc tế, đặc biệt là sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế như Unicef, Who, Undp, Unfpa và các tổ chức phi chính phủ quốc tế.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận rằng bên cạnh những thành tựu trên, Việt Nam còn phải thực hiện một số mục tiêu chưa qiải quyết được như nạn suy dinh dưỡng, nước sạch, vệ sinh môi trường, tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản, vấn đề học tập của trẻ em miền núi; và đối phó với những thách thức mới nổi lên như trẻ em bị thương tật, tai nạn, lang thang kiếm sống, bị xâm hại tình dục, trẻ em lao động trong những môi trường độc hại, trẻ em bi ảnh hưởng do Hiv/aids, ma túy....

Bộ trưởng kết luận: Những vấn đề trên có liên quan đến nhận thức của gia đình và xã hội, cũng như liên quan đến nghèo đói, qúa trình đô thị hóa và những tác động tiêu cực của toàn cầu hóa. Điều này đòi hỏi phải có nhiều nỗ lực hơn nữa của toàn xã hội và mỗi gia đình. Cùng với việc thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo, tăng cường các dịch vụ xã hội cơ bản, Việt Nam tiếp tục cam kết thực hiện Công ước về quyền trẻ em, phát huy những kinh nghiệm thực tế của mình, đồng thời tranh thủ sự hợp tác và giúp đỡ quốc tế để giải quyết những thách thức mới đối với trẻ em. Trong Chương trình hành động quốc gia cho giai đoạn 2001-2010, Việt Nam sẽ đẩy mạnh việc phát triển giáo dục, tăng cường bảo vệ trẻ em, hướng hoạt động vào các vùng nghèo, vùng miền núi khó khăn; phát huy vai trò của cộng đồng, gia đình và sự tham gia của trẻ em./.